-
×
-
- Giỏ hàng trống!
-
Tổng thanh toán: 0₫
Ông Tần bắt đầu học nghề, mò mẫn với máy ảnh phim từ thời máy còn thịnh hành vào những năm 1970. Lúc đó, máy ảnh kỹ thuật số chưa ra đời, chỉ có máy ảnh phim (hay còn gọi là máy ảnh cơ) nên ông quyết định học và đam mê luôn với nghề sửa máy ảnh phim.
Khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, hiện đại và tiện lợi cho người chụp hơn thì dòng máy phim cũng dần bị lãng quên, lượng khách đến với ông cũng giảm hẳn.
Ông Tần cho biết làm cái nghề này phải cần mẫn, phải yêu, phải thích mới sống được với nghề. Người theo ông học nghề cũng nhiều nhưng làm một thời gian ai cũng chuyển sang làm nghề khác.
Khách của ông từ người già cho đến người trẻ. Từ người chơi máy ảnh phim lâu năm đến người mới tập tành chơi.
Chỉ cần khách đem máy ảnh tới, kể sơ với ông về "triệu chứng" nghe thôi là ông biết máy bị hư gì, hư ở vị trí nào để tháo ra sửa và ông hẹn khách đúng 1 tuần sau đến lấy. Đối với những khách mới dùng máy, ông còn hướng dẫn cách sử dụng khi cần.
"Khách hay đùa với tôi, bảo chú đừng chết nha chú, chú mà chết con không biết sửa máy ở chỗ nào. Giờ người trẻ muốn trải nghiệm cảm giác chụp một tấm hình mà bản thân có thể tự cân chỉnh thông số, thích màu của máy ảnh phim nên người dùng máy ảnh phim cũng nhộn nhịp hơn lúc trước" - ông Tần nói.
Chỉ cần người chơi đem máy ảnh tới, kể sơ với ông về ‘triệu chứng’ nghe thôi là ông biết máy bị hư gì, hư ở vị trí nào để tháo ra sửa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Tần cho biết thêm máy phim rèn cho bản thân người dùng được sự kiên nhẫn, vì nếu dùng máy kỹ thuật số mọi thứ đều tự động, người dùng chỉ cần bấm là có hình và xem ngay lập tức, việc chuyển hình qua các thiết bị điện tử cũng dễ dàng hơn.
Còn riêng về máy ảnh phim thì số lượng phim ít (mỗi cuộn từ 24 - 36 tấm), muốn chụp thì người dùng phải cân chỉnh khẩu độ, đo thước,… và khi nghe được tiếng bấm máy lại tạo được cho người chụp cảm giác rất lạ và rất thích.
Ngoài ra, người chụp không thể xem ảnh ngay, phải chụp đủ số phim, qua quá trình tráng rửa phim thì mới có ảnh để xem.
Thường các máy được ông "chữa bệnh" toàn có "triệu chứng" không hoạt động, khẩu độ không làm việc, màn trập không mở, thước sai, không cuốn phim hoặc không trả phim,…
Ông Nguyễn Văn Tần chia sẻ: "Cái khó của việc sữa máy ảnh cơ là do các dòng máy đã ngưng sản xuất từ lâu nên phụ tùng máy không có bán trên thị trường, đối với các máy cần thay phụ tùng tôi phải mua máy cũ để thế vào".
‘Cửa tiệm’ của ông Tần không bảng hiệu, chỉ có 1 chiếc danh thiếp nhỏ được dán ngay trước bàn làm việc của ông - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Do không có đủ vốn, và cũng không cần một cửa tiệm quá to, ông Tần chọn cách "tá túc" tại các cửa hiệu máy ảnh kỹ thuật số, đặt một chiếc bàn bên trong và nhận khách sửa máy ảnh phim.
Hằng ngày, đúng 9h sáng, ông Nguyễn Văn Tần lại ngồi vào chiếc bàn nhỏ bên trong tiệm máy ảnh trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) để sửa máy ảnh cơ. Một ngày, ông Tần sửa được 2 cái, thu nhập từ 250-300 đồng ngày.
Bạn Đào Tú Uyên (23 tuổi, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: "Tôi chơi máy ảnh phim cũng đã được một năm rồi, nghe bạn bè ‘mách nhỏ’ là ở đây có ông chú sửa vừa nhanh, thân thiện với có bận gì thì ký gửi máy lại bao lâu cũng không sợ mất nên tôi hay ra đây sửa".
Chiếc bàn làm việc của ông Tần nằm gọn trong một cửa tiệm máy ảnh kỹ thuật số trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Tần cho biết những dòng máy ảnh phim hiện giờ được chuộng trở lại vì người chơi gam màu hoài cổ và thích tiếng bấm máy của máy ảnh phim - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những dòng máy ảnh phim ra đời từ rất lâu được khách an tâm đem đến cho ông sửa chữa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG